Bộ môn nghiên cứu Nghiên_cứu_văn_học

Nghiên cứu văn học, theo truyền thống, bao gồm 3 bộ môn chính: Lý luận văn học, Lịch sử văn học, Phê bình văn học. Tuy nhiên đến khoảng những năm 70 của thế kỷ 20 đã xuất hiện bộ môn Phương pháp luận nghiên cứu văn học. Bộ phận quan trọng khác của nghiên cứu văn học là bộ môn Thi học và bộ môn Phong cách học.

Sau các bộ môn hàng đầu này, các nhà nghiên cứu chú ý tới sự nảy sinh của những bộ môn hạng thứ bao gồm những bộ môn lý thuyết và lịch sử có đối tượng tương đối hẹp hơn, như lý thuyết phê bình văn học, lịch sử thi học (khác với thi học lịch sử), lý thuyết phong cách v.v.; những bộ môn hỗ trợ văn học như lưu trữ học, thư mục học, văn bản học, cổ văn tự học, khảo thích và bình chú văn bản (tường giải học), toán học (nhất là thống kê), ký hiệu học.

Lý luận văn học

Lý luận văn học nghiên cứu những quy luật chung của cấu trúc và sự phát triển văn học.

Lịch sử văn học

Lịch sử văn học, còn gọi là văn học sử lấy đối tượng là nghiên cứu văn học quá khứ, khảo sát nó như một quá trình, hoặc khảo sát một trong số các thời điểm của quá trình đó.

Phê bình văn học

Phê bình văn học chú ý đến trạng thái hiện tại của văn học đương thời, nó cũng chú ý lý giải văn học quá khứ từ quan điểm những vấn đề xã hội và nghệ thuật hiện thời.

Thi học

Thi học là bộ môn nghiên cứu cấu trúc của các tác phẩm, phức hợp tác phẩm hoặc sáng tác ở nhà văn nói chung, nghiên cứu các khuynh hướng văn học và các thời đại văn học. Ở phương diện lý luận văn học, thi học cung cấp một thi học đại cương tức là khoa học về cấu trúc bất kỳ một tác phẩm văn học nào. Ở bình diện văn học sử, thi học lịch sử nghiên cứu về sự phát triển của các cấu trúc nghệ thuật xét trong tổng thể và trong các thành tố của chúng. Trên bình diện phê bình văn học, các nguyên tắc của thi học được áp dụng qua sự phân tích tác phẩm cụ thể ở các phương diện về tư tưởng, nghệ thuật, cấu trúc.

Phong cách học

Phong cách học phần nhiều có vị trí và chức năng tương tự thi học trong văn học sử, lý luận văn học và phê bình văn học, tuy nhấn mạnh khảo cứu đặc trưng thế giới quan, nhân sinh quan, cá tính sáng tạo của nhà văn, và sự biểu hiện của thế giới quan, nhân sinh quan, cá tính sáng tạo trong tác phẩm văn học.